Người mắc bệnh tiểu đường cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, Tết đến họ cũng muốn thưởng thức các món ăn đặc trưng mà không lo ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy làm sao để vừa chăm sóc sức khỏe, vừa tận hưởng một cái Tết trọn vẹn? Hãy cùng Co.op Online khám phá chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường để giữ mức đường huyết ổn định và vẫn vui Tết.
Lý do bệnh tiểu đường trở thành thách thức trong dịp Tết
Tết Nguyên Đán là thời điểm đoàn viên, gắn liền với những bữa ăn thịnh soạn và sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh tiểu đường, khoảng thời gian này tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm bệnh diễn biến xấu hơn. Sau đây là những lý do chính:
- Chế độ ăn uống không kiểm soát: Các món như bánh chưng, bánh tét, mứt, kẹo và nước ngọt có chỉ số đường huyết cao. Tâm lý “ăn Tết” cùng việc ăn uống thiếu kiểm soát dễ làm tăng đường huyết. Thói quen uống rượu bia trong các bữa tiệc cũng gây rối loạn đường huyết, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt: Thói quen sinh hoạt bị xáo trộn và việc thiếu vận động do tiệc tùng làm ảnh hưởng đến việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Những thay đổi này có thể khiến đường huyết khó duy trì ổn định.
- Quên uống thuốc đúng giờ: Trong không khí bận rộn của dịp Tết, nhiều người thường bỏ qua việc kiểm tra đường huyết hoặc quên uống thuốc đúng giờ. Một số người còn có xu hướng nghĩ rằng Tết là thời gian nghỉ ngơi, vì vậy tạm ngừng tuân thủ chế độ điều trị, điều này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Người bị tiểu đường cần làm gì để Tết vui Tết khỏe?
Duy trì vận động phù hợp
Mặc dù Tết bận rộn và lịch sinh hoạt thay đổi, người bệnh tiểu đường vẫn nên duy trì thói quen tập thể dục. Không cần bài tập quá phức tạp, chỉ cần đi bộ hay tập yoga khoảng 15 phút – 30 phút mỗi ngày vào dịp Tết.

Chia sẻ với bạn bè, người thân
Người bị tiểu đường nên chia sẻ với gia đình và bạn bè để nhận sự giúp đỡ, động viên trong việc duy trì chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Sự hỗ trợ từ người thân giúp giảm căng thẳng, tạo sự an tâm và khuyến khích tuân thủ các hướng dẫn y tế. Khi có người đồng hành, người bệnh sẽ dễ dàng kiểm soát bệnh tốt hơn và tránh được các cám dỗ trong dịp lễ Tết hay những tình huống khó khăn.
Tự theo dõi sức khỏe của bản thân
Người mắc bệnh tiểu đường nên kiểm tra đường huyết ít nhất 1 – 2 lần mỗi ngày, tốt nhất là trước các bữa ăn, ngay cả trước khi dùng thuốc hoặc tiêm insulin. Việc này giúp xác định mức đường huyết hiện tại, từ đó điều chỉnh liều thuốc nếu cần. Ngoài ra, nếu người bệnh ăn nhiều, cảm thấy mệt mỏi, đói hoặc gặp vấn đề về tiêu hóa, cũng cần kiểm tra đường huyết ngay lập tức.

Chế độ ăn uống lành mạnh
Không để bụng đói
Người mắc tiểu đường không nên để bụng đói vì có thể gây hạ đường huyết, dẫn đến cảm giác chóng mặt, mệt mỏi và khó chịu. Khi đói, cơ thể sẽ tiết ra các hormone căng thẳng, làm tăng đột ngột lượng đường trong máu. Vì vậy, ăn các bữa nhỏ và thường xuyên sẽ giúp ổn định mức đường huyết.
Ăn uống theo thứ tự hợp lý
Chế độ ăn uống cho người tiểu đường nên theo thứ tự rau trước, thịt sau và thực phẩm chứa carbohydrate cuối cùng để kiểm soát mức đường huyết hiệu quả hơn. Khi ăn rau trước, chất xơ trong rau giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ đường, từ đó giảm tốc độ tăng đường huyết sau bữa ăn. Thịt cung cấp protein, giúp cảm giác no lâu và ổn định đường huyết. Cuối cùng, ăn thực phẩm chứa carb sẽ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, hạn chế sự tăng vọt của đường huyết.

Ăn nhẹ bằng trái cây chua
Bệnh nhân nên chọn ăn các loại trái cây có vị chua như dâu, táo, cam, kiwi hoặc những quả vừa chín tới, vì chúng có chỉ số glycemic (GI) thấp, giúp ổn định lượng đường trong máu hiệu quả. Những loại trái cây này cung cấp nhiều vitamin, chất xơ và nước, đồng thời tạo cảm giác no lâu mà không làm tăng nhanh lượng đường huyết. Bên cạnh đó, chúng chứa ít đường tự nhiên hơn so với các loại trái cây chín quá, giúp duy trì sự ổn định của đường huyết mà không gây nguy cơ tăng cao.
Ăn thực phẩm no lâu
Hãy ăn những thực phẩm no lâu vì chúng giúp ổn định đường huyết. Bạn có thể chọn các món như cơm, thịt xào, thịt chiên và khoai tây nướng có chỉ số glycemic thấp, giúp tiêu hóa chậm và tránh làm tăng đường huyết đột ngột, trong khi các món như cháo, thịt nướng, thịt hầm hay khoai tây nghiền dễ làm tăng đường huyết nhanh.
Uống đủ nước
Khi người mắc tiểu đường không uống đủ nước, máu dễ bị đặc, tích tụ cặn bã và đường dư thừa, gây tăng áp lực thẩm thấu huyết tương. Đồng thời, đường huyết cao hút nước từ các cơ quan, làm tế bào mất nước nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ hôn mê. Vì thế, để tránh nguy hiểm, bệnh nhân cần uống đủ nước mỗi ngày.

Hạn chế uống rượu, bia
Rượu bia và đồ uống có cồn thường xuất hiện trong các bữa tiệc năm mới, nhưng chúng có thể gây hại cho cơ thể, đặc biệt là dễ gây nhầm lẫn giữa say rượu và triệu chứng hạ đường huyết ở người mắc bệnh tiểu đường. Nếu uống, không quá 2 ly mỗi ngày đối với nam và 1 ly với nữ. Một ly này sẽ tương đương với 1 lon 350 ml..
Hạn chế đồ ngọt
Vào dịp Tết, mọi người thường dùng nhiều thực phẩm ngọt như mứt, kẹo, nước ngọt và trái cây sấy khô, gây tăng đường huyết, đặc biệt ở người bệnh tiểu đường. Vì vậy, bệnh nhân nên ăn những thực phẩm này với lượng vừa phải theo lời khuyên của bác sĩ để tránh biến chứng.

Đừng quên uống thuốc đúng giờ
Bên cạnh việc chú trọng vận động và chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường, thuốc cũng là một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát bệnh. Trong những ngày Tết bận rộn với việc đón khách hoặc đi thăm họ hàng, bạn bè, người bệnh tiểu đường có thể dễ dàng quên uống thuốc. Hãy đặt báo thức hoặc nhờ người thân nhắc nhở để uống thuốc đúng giờ nhé!
Với những thông tin trên, bạn đã có đầy đủ kiến thức để xây dựng một chế độ chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường trong dịp Tết. Hãy bắt đầu lên kế hoạch ngay hôm nay để có một cái Tết khỏe mạnh và trọn vẹn bên gia đình. Chúc bạn khoẻ và có một cái Tết bình an!