Để đáp ứng được yêu cầu chất lượng sản phẩm, Saigon Co.op đã sẵn sàng các kho chứa, kho lạnh bảo quản sản phẩm ở khắp các miền Bắc, miền Tây và ở kho Bình Dương để phục vụ cho nhu cầu ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ…
Những trái vải thiều đất Hải Dương nổi tiếng tươi ngon vươn ra khắp thị trường tiêu dùng cả nước qua hệ thống siêu thị Co.opmart không những giúp người tiêu dùng được thưởng thức đặc sản trái cây vùng miền mà còn giúp kích cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản trên thị trường nội địa.

Trong vụ vải sớm, chị Trần Thị Mai (Đông Anh, Hà Nội) đã “ăn thử” ở một số nhà cung cấp nhưng chất lượng không đồng đều. Bước vào mùa vải thiều năm nay, chị ưu tiên đặt hàng cố định từ siêu thị để đảm bảo sản phẩm tươi ngon và đặc biệt là giá cả luôn ổn định.
Ưu tiên chọn hàng siêu thị tươi ngon, giá mềm
Chị Nguyễn Mai Hương (Long Biên, Hà Nội) cho hay chị thường xuyên đặt hàng qua các kênh online. Tuy nhiên, với những sản phẩm nông sản và thực phẩm, chất lượng có thể bị ảnh hưởng do quá trình vận chuyển, bảo quản và sản phẩm có thể không đạt được độ tươi ngon, do đó chị rất kỹ lưỡng trong lựa chọn những kênh cung cấp hàng hóa.
“Gia đình tôi rất thích ăn trái cây theo mùa. Đang sắp vào vụ vải thiều, đây là sản phẩm có dinh dưỡng cao, đặc biệt trái vải ở các vùng trồng lớn như Hải Dương, Bắc Giang. Vải u trứng và vải u hồng rất ngọt, trẻ con rất thích ăn nên gia đình tôi chọn vải để tráng miệng hằng ngày. Vì vậy, tôi ưu tiên lựa chọn những nơi có nguồn cung cấp đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ được độ tươi ngon khi mua sắm qua kênh online. Và Co.opmart là một trong những kênh tôi chọn” – chị Hương nói.
Tương tự, do thời gian bận rộn nên anh Nguyễn Quốc Hưng (Tân Bình, TP.HCM) thường chọn kênh online để mua sắm thực phẩm tươi sống, trái cây, rau củ quả. Đặc biệt, gia đình anh rất thích các loại trái cây miền Bắc, nên mỗi khi vào vụ vải thiều, anh thường đặt hàng từ đầu mùa lên tới vài chục ký để gia đình thưởng thức và làm quà tặng, biếu.
Sau nhiều lần đặt mua và sử dụng các dịch vụ, anh Hưng đã “trụ” lại với kênh giao hàng online của Co.opmart. Những ngày đầu tháng 5 này, trái vải tươi rói từ Bắc chuyển vào hệ thống siêu thị Co.opmart trong này đã tới với gia đình anh để kịp ăn mùng 5 tháng 5 và đi biếu.
Thu mua trực tiếp từ nông dân, bảo quản chuyên nghiệp
Ông Nguyễn Ngọc Thắng – giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm giám đốc marketing Saigon Co.op – cho biết để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cả nước, ngay từ rất sớm, Saigon Co.op đã xúc tiến hợp tác với hai địa phương trồng vải lớn của miền Bắc là Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang) để chuẩn bị cho hoạt động thu mua, vận chuyển.
Vào giữa tuần thứ 3 của tháng 5, Saigon Co.op đã thu mua trực tiếp vải từ các hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ tới cả trăm tấn trên toàn hệ thống. Đến nay vào vụ chính vải, Saigon Co.op tiếp tục chuẩn bị nguồn hàng, sẵn sàng vận chuyển và bảo quản dự kiến lên tới 1.000 tấn vải, cao gấp đôi so với tổng sản lượng cung ứng ra thị trường năm 2021.
Theo ông Thắng, để đáp ứng được yêu cầu chất lượng sản phẩm, Saigon Co.op đã sẵn sàng các kho chứa, kho lạnh bảo quản sản phẩm ở khắp các miền Bắc, miền Tây và ở kho Bình Dương để phục vụ cho nhu cầu ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Do quả vải khá nhạy cảm với thời tiết, dễ bị thâm sau khi thu hái, nên sau khi được thu hoạch tại vườn, nhân viên của Co.opmart sẽ hướng dẫn người nông dân cách bảo quản, vận chuyển và kết hợp với đội xe lạnh để vận chuyển hàng đến các hệ thống siêu thị trên khắp cả nước.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Trung Quốc vốn là thị trường tiêu thụ lớn của nông sản, đang duy trì chính sách “zero COVID”, việc xuất khẩu nông sản của nông dân Việt Nam gặp khó khăn, sự thúc đẩy tiêu thụ trái vải trên thị trường nội địa thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại đã góp phần tích cực giúp nông sản có thêm chỗ đứng trên thị trường.