Đi chùa đầu năm là một phong tục không thể thiếu của người Việt mỗi dịp Tết đến. Đây là thời gian để mọi người tìm về chốn linh thiêng, cầu bình an, tài lộc cho một năm mới. Bên cạnh đó, việc đi chùa cũng giúp mỗi người tìm lại sự tĩnh tâm, bắt đầu một năm mới với những niềm tin và hy vọng tốt đẹp. Cùng Co.op Online tìm hiểu chi tiết về phong tục này trong bài viết dưới đây nhé!
Ý nghĩa của phong tục đi chùa đầu năm
- Cầu bình an, may mắn: Người dân đi chùa để cầu mong sức khỏe, tài lộc và sự bình an cho gia đình trong năm mới, xua đuổi vận xui.
- Mong muốn tài lộc và thịnh vượng: Ngoài sức khỏe và bình an, nhiều người còn cầu mong cho công việc, kinh doanh thuận lợi, gia đình hạnh phúc, tài lộc đầy đủ trong năm mới.
- Thể hiện lòng biết ơn: Việc lễ chùa đầu năm còn là cách để người dân thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, những người đã khuất và tạ ơn những điều tốt đẹp đã có trong năm qua.
- Tâm linh và thiền định: Là dịp để con người tìm lại sự thanh tịnh trong tâm hồn, gạt bỏ những muộn phiền, lo âu của năm cũ. Đây là thời điểm lý tưởng để ngồi thiền, tìm lại sự bình yên trong tâm hồn và hướng về những giá trị tinh thần cao đẹp.

Kinh nghiệm đi lễ chùa đầu năm
Thời điểm thích hợp để đi chùa
Theo phong tục xưa, đi chùa vào mùng 1 tết hoặc ngay sau khi giao thừa cầu may mắn và rước lộc về nhà bên cạnh đó thể hiện lòng thành kính đối với thần thánh. Tuy nhiên điều đó còn tùy thuộc và quan niệm, thời gian của mỗi gia đình.
- Ngày mùng 1: Ngày đầu tiên của năm mới mong cầu cho cả năm luôn may mắn, vạn sự như ý.
- Ngày mùng 2, 3: Ngày đón Hỷ thần mang đến sự may mắn và hạnh phúc, quan niệm cho rằng đi chùa vào ngày này sẽ mang đến nhiều tài lộc cho cả năm.
- Ngày mùng 4: Được xem là một ngày tốt để cầu duyên.
- Ngày mùng 6, 8: Ngày đẹp rất thích hợp để khai trương và đi chùa.
- Ngày mùng 10: Ngày vía thần tài, đi lễ chùa vào ngày này để cầu tài lộc và làm ăn tốt.

Sắm lễ
Ông bà xưa quan niệm rằng “Tốt lễ dễ van” nên cũng không ít gia đình sắm đồ lễ rất nhiều khi đến chùa, nhưng thực chất chẳng cần “mâm cao cỗ đầy” chỉ cần những vật phẩm đủ và đúng với văn hóa từng vùng, địa phương.
Khi đến dâng hương chỉ cần những vật lễ chay gồm:
- Hoa tươi: Hoa tươi các loại nhưng không được dùng hoa dại, hoa tạp, hoa giả. Có thể dâng một số hoa như: hoa sen, hoa cúc, vạn thọ….
- Ngũ quả: Bao gồm 5 loại quả khác nhau tương đương với ngũ hành ví dụ như: phật thủ, cam, táo, quýt,….
- Bánh kẹo: Tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình mà dâng lễ.
- Trà , nhan đèn và tiền giấy các loại.
Cách bày lễ
Khi dâng cúng tại ban thờ Tam Bảo cần chuẩn bị đủ 5 món: hương, đèn nến, hoa, quả và nước. Tuy nhiên, nếu thiếu một món trong số này, cũng không sao; điều quan trọng là có một tấm lòng thành kính. Lưu ý là không nên đặt tiền thật, tiền vàng, tiền mã, hay lễ mặn lên bàn thờ.
Đối với các ban thờ khác trong chùa như ban Mẫu, ban Đức Ông, ban Thánh Hiền, ban vong, bạn chỉ cần thắp ba nén hương và thực hiện lời cầu nguyện khi dâng lễ.
Các ban thờ riêng biệt cho Đức Ông, Thánh, Mẫu có thể được trang trí với các lễ vật như tam sinh gồm thịt gà, giò, chả cùng tiền vàng mã, tiền âm phủ.

Thứ tự hành lễ
Khi đi chùa ngày Tết, việc thực hiện đúng thứ tự hành lễ không chỉ giúp chúng ta bày tỏ được lòng thành kính mà còn thể hiện sự tôn trọng với nơi linh thiên.
- Bước 1: Chuẩn bị lễ vật và đặt lên bàn thờ của Đức ông, sau đó thắp vài nén hương để bày tỏ lòng thành kính.
- Bước 2: Tiến hành đặt lễ vật lên hương án ở chính điện, thắp đèn và hương nhan. Sau đó, bạn cử hành lễ với ba hồi chuông để kính cẩn dâng lễ lên Đức Phật và Quan Thế Âm Bồ Tát.
- Bước 3: Thắp hương và cầu nguyện với lòng thành ở các bàn thờ khác trong chùa, nhớ là phải thắp đủ ba lễ hoặc năm lễ. Nếu chùa có thờ Mẫu hoặc Tứ Phủ, bạn cũng đến đó để dâng lễ và thắp hương.
- Bước 4: Lễ bái tại nhà thờ Tổ, hay còn gọi là nhà thờ Hậu.
- Bước 5: Cuối cùng, bạn có thể đến phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư trong chùa.
Những nguyên tắc khi đi chùa đầu năm bạn cần biết
Trang phục đi chùa
Khi đến chùa, bạn nên mặc trang phục lịch sự, kín đáo. Chọn màu sắc nhẹ nhàng, hợp với áo tràng hoặc áo lam Phật tử để thể hiện lòng tôn kính. Hãy ưu tiên áo sơ mi cổ kín, áo dài hoặc áo khoác cổ bẻ để giữ sự trang nhã và gọn gàng.

Giờ giấc
Việc chọn giờ giấc đi chùa rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến không khí thanh tịnh, sự trang nghiêm và ý nghĩa của buổi lễ. Nhưng tùy vào lịch trình cá nhân mà chọn giờ giấc sao cho phù hợp.
- Buổi sáng sớm: Đây là thời điểm thanh tịnh nhất trong ngày, không khí trong lành và yên bình. Đến chùa vào buổi sáng sớm giúp tâm hồn bạn nhẹ nhàng, thoải mái và dễ tập trung vào việc lễ Phật, cầu an.
- Buổi chiều muộn: Nếu không thể đi vào buổi sáng, bạn có thể đi lễ chùa vào buổi chiều muộn. Lúc này, không khí chùa cũng thường yên tĩnh và vắng vẻ hơn.
Bên cạnh đó nên chú ý những khung giờ này để tránh ảnh hưởng đến chúng ta và cả nhà chùa.
- Giữa trưa: Đây là thời điểm các nhà sư và Phật tử trong chùa nghỉ ngơi, ăn uống. Đi chùa vào lúc này có thể làm phiền không gian sinh hoạt của chùa.
- Quá muộn vào buổi tối: Các chùa thường đóng cửa trước khi trời tối. Đi chùa vào thời điểm này không thuận tiện cho việc hành lễ và chiêm bái.
Các nguyên tắc trước khi đi lễ chùa
- Trước khi vào chùa, vợ chồng không nên có quan hệ tình dục. Nếu đã có, hãy đợi ít nhất 6 tiếng để giữ cho tâm hồn được thanh tịnh.
- Khi vào chùa, bạn nên lựa chọn trang phục đơn giản, tránh những bộ đồ quá hở hang hay có màu sắc quá nổi bật.
- Không nên trang điểm hay sử dụng nước hoa khi đến chùa.
- Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt nên tránh đến chùa trong thời gian này.
- Nếu bạn mang theo túi xách hoặc đội mũ, áo, hãy đặt chúng xuống chiếu trước khi bước vào khu vực chính để lễ Phật.

Nguyên tắc khi vào chùa
- Khi vào chùa, bạn nên thắp hương ở đỉnh ngoài sân, tránh thắp hương trong khu vực bên trong. Hạn chế chụp ảnh hay quay phim trong chùa.
- Tại điện chính, không được đặt lễ mặn hay tiền vàng mã, tiền âm phủ. Trẻ em không nên đùa nghịch trong khu vực Tam Bảo và không sờ vào tượng Phật. Hạn chế mang bất kỳ vật phẩm nào trong chùa ra ngoài.
- Khi vào chùa, sử dụng cửa bên phải để vào, cửa bên trái để ra. Cửa ở giữa dành cho Thiên tử, khoa bảng và các vị cao tăng.
- Khi giao tiếp với các nhà sư, xưng hô “bạch thầy” hoặc “A di đà Phật”, tự xưng là “con” để tỏ lòng tôn kính.
- Cấm tự ý sử dụng đồ ăn, thức uống của nhà chùa, trừ khi bạn là trụ trì. Không nói chuyện lớn, đùa giỡn, hay khạc nhổ trong chùa.
- Cuối cùng, không quỳ giữa phật đường, hãy quỳ sang một bên và tránh nhìn thẳng vào tượng Phật để thể hiện sự tôn kính.
Trên đây là những chia sẻ về ý nghĩa và những điểm cần lưu ý khi đi chùa đầu năm. Việc đi chùa đầu năm không chỉ là một hành động tâm linh mà còn là cơ hội để mỗi người tìm lại sự bình an, may mắn cho cả năm. Hy vọng rằng với những thông tin trên, bạn sẽ có một chuyến lễ chùa đầu năm trọn vẹn và ý nghĩa. Chúc bạn và gia đình luôn an khang, thịnh vượng trong năm mới!