Giải mã ý nghĩa sâu sắc đằng sau món thịt kho tàu ngày Tết

Thịt kho tàu là một trong những món ăn đặc trưng trong nền ẩm thực Việt Nam, gắn liền với những bữa cơm gia đình trong dịp Tết Nguyên Đán. Không chỉ thơm ngon, hấp dẫn, món ăn này còn có nguồn gốc và ý nghĩa sâu sắc. Vậy nguồn gốc và ý nghĩa của món thịt kho tàu là gì? Hãy cùng Co.op Online tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.

Nguồn gốc của thịt kho tàu 

Thịt kho tàu là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong bữa cơm của người Việt Nam, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Đán. Tuy tên gọi “kho tàu” dễ khiến nhiều người liên tưởng đến nguồn gốc từ Trung Quốc (tàu), nhưng thực tế, món ăn này mang đậm hương vị của Việt Nam. 

Theo cách giải thích của các chuyên gia văn hoá, trong đó có nhà văn Bình Nguyên Lộc, chữ “ Tàu” ở miền Tây Nam Bộ là chỉ vùng nước giao thoa giữa nước mặn và nước ngọt. Nước ở đây có vị lợ lợ mặn ngọt, điển hình là nước ở khúc sông Cái Tàu Thượng và Cái Tàu Hạ. Như vậy, món thịt kho tàu của người Nam Bộ thật ra là món thịt với nước kho vị mặn ngọt lợ lợ đặc trưng cho hương vị của món thịt kho. Sự kết hợp hài hòa giữa vị mặn của thịt, vị ngọt của đường và nước dừa tạo nên một hương vị đặc biệt, có thể ăn được nhiều ngày.

Ngoài ra, một câu chuyện dân gian cũng giúp lý giải nguồn gốc của món thịt kho tàu. Xưa kia, những người dân làng chài ở Nam Bộ đã sáng tạo ra món ăn này với mục đích mang theo khi đi biển trong những chuyến hải hành dài ngày. Vì vậy, từ “tàu” trong tên món ăn không chỉ là tên gọi mà còn gắn liền với hình ảnh tàu thuyền, biểu trưng cho những chuyến đi xa.

Chữ “tàu” trong “thịt kho tàu” có nghĩa là mặn ngọt lợ lợ
Chữ “tàu” trong “thịt kho tàu” có nghĩa là mặn ngọt lợ lợ

Ý nghĩa của thịt kho tàu 

Món thịt kho tàu thường được nấu bằng thịt ba rọi hoặc thịt có nạc lẫn mỡ, khi nấu được cắt thành từng miếng to có hình vuông, kết hợp với trứng tròn tượng trưng cho sự vuông tròn, thể hiện một cuộc sống trọn vẹn, bình an và hạnh phúc. 

Hương vị của thịt kho tàu vô cùng đặc biệt, có sự ngọt thanh của nước dừa, vị mặn đậm đà của nước mắm, chút cay nồng của ớt và độ béo ngậy của thịt ba chỉ kết hợp với trứng vịt. Vào ngày Tết, mọi người quây quần bên mâm cơm thưởng thức món ăn này như báo hiệu một năm mới bình an, may mắn và tràn đầy phúc lộc.

Biểu tượng của sự sum họp gia đình: Món thịt kho tàu thường được nấu vào những dịp đặc biệt như Tết Nguyên Đán, lễ hội… và được cả gia đình cùng nhau thưởng thức. Vì vậy, món ăn này trở thành biểu tượng của sự sum họp, đoàn viên và ấm cúng.

Món ăn mang đậm hương vị quê hương: Với hương vị đặc trưng, thịt kho tàu gợi nhớ về tuổi thơ và những kỷ niệm đẹp của mỗi người. Đây là món ăn gắn liền với ký ức và tình cảm của người Việt.

Nguồn năng lượng dồi dào: Thịt kho tàu cung cấp nhiều protein và năng lượng, giúp cơ thể khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt.

Hướng dẫn cách nấu món thịt kho tàu cho mâm cơm Tết

Chuẩn bị nguyên liệu 

  • 500g Thịt ba chỉ hay thịt chân giò
  • 5 quả Trứng vịt luộc
  • 400ml Nước dừa
  • 1 muỗng canh Hành băm
  • 1 muỗng canh Tỏi băm
  • 3 muỗng canh Nước mắm
  • 1 ít Gia vị thông dụng: Đường, hạt nêm, tiêu xay

Mẹo chọn thịt ngon: 

  • Chọn thịt heo có màu đỏ nhạt hoặc hồng tươi.
  • Khi cắt, thịt có màu trắng hồng, bóng nhẹ, mỡ trắng sáng.
  • Lựa miếng thịt có tỉ lệ nạc và mỡ cân bằng để món ăn ngon hơn.
  • Tránh miếng thịt quá mỡ hoặc quá nạc.
  • Thịt tươi sẽ săn chắc, thịt và mỡ dính chặt.
  • Tránh chọn thịt mất độ đàn hồi, có mùi hôi, vì đó là thịt ôi.
Nguyên liệu nấu thịt kho tàu
Nguyên liệu nấu thịt kho tàu

Cách nấu

Ướp thịt 

  • Rửa sạch thịt bằng nước muối pha loãng, sau đó xả lại với nước sạch và để cho ráo nước. Tiếp theo, cắt thịt thành từng miếng vuông vừa ăn và cho vào tô.
  • Thêm vào tô 1 muỗng canh tỏi băm, 1 muỗng canh hành băm, 3 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh đường, 1/3 muỗng canh hạt nêm và 1 muỗng cà phê tiêu. Trộn đều tất cả nguyên liệu, bọc kín tô thịt và cho vào ngăn mát tủ lạnh, ướp ít nhất 1 tiếng để thịt ngấm gia vị.
Ướp thịt kho tàu
Ướp thịt kho tàu

Làm nước màu 

  • Đặt nồi lên bếp, cho vào 1 muỗng cà phê đường và đun với lửa vừa. Dùng đũa khuấy đều cho đến khi đường tan hết và chuyển sang màu nâu cánh gián, sau đó tắt bếp. Để nước đường nguội dần, màu sắc sẽ đậm hơn. Tiếp theo, thêm vào khoảng 1/2 chén nước lọc để pha loãng hỗn hợp.

Kho thịt

  • Bạn cho thịt đã được ướp vào nồi nước màu đã thắng, đảo đều trên lửa lớn cho đến khi thịt săn lại. Sau đó, cho 400ml nước dừa vào nồi.
  • Đậy nắp lại và kho thịt trên lửa nhỏ trong khoảng 30 phút. Sau 30 phút, nếu nước trong nồi quá ít, bạn có thể thêm một ít nước. Tiếp theo, cho 5 quả trứng vịt luộc đã bóc vỏ vào, đậy nắp và tiếp tục đun thêm 30 phút cho đến khi thịt mềm, rồi tắt bếp.

Hoàn thành

  • Món ăn khi hoàn thành tỏa ra hương thơm hấp dẫn, với màu nâu cánh gián bắt mắt. Thịt heo ngấm đều gia vị kho, mềm mại, thơm ngon và đậm đà, hòa quyện hoàn hảo với trứng vịt béo ngậy.
Món thịt kho tàu cho ngày Tết
Món thịt kho tàu cho ngày Tết

Vì sao trứng vịt thường được ưa chuộng hơn trứng gà, trứng cút

Độ béo và hương vị: Trứng vịt có lòng đỏ béo ngậy hơn trứng gà, khi kho cùng thịt sẽ tạo ra một lớp mỡ bóng đẹp mắt và hương vị đậm đà hơn. 

Kích thước: Trứng vịt thường có kích thước lớn hơn trứng cút, khi kho cùng thịt sẽ tạo ra sự tương phản về kích thước đẹp mắt. Lòng trắng trứng vịt dày, dai hơn nên khó bị vỡ trong quá trình kho giữ được phần nước kho có màu cánh dán đẹp mắt, không bị lẫn vụn trứng và bảo quản được lâu.

Màu sắc: Lòng đỏ trứng vịt có màu vàng đậm hơn trứng gà, khi kho cùng thịt sẽ tạo nên màu sắc hấp dẫn cho món ăn.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thay thế trứng vịt bằng trứng gà hoặc trứng cút tuỳ theo sở thích cá nhân và gia đình mà không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng món ăn.

Một số mẹo để thịt kho tàu mềm, ngon  

  • Chọn miếng thịt có tỷ lệ giữa nạc và mỡ hợp lý, ngon nhất là ba rọi rút sườn giúp thịt mềm và món ăn thêm phần hấp dẫn khi kho xong.
  • Để gia vị thấm đều vào thịt, bạn nên ướp ít nhất 30 phút.
  • Khi xào thịt, hãy đảo đều cho đến khi miếng thịt săn lại, rồi mới cho nước dừa vào sao cho ngập thịt. Đừng quên vớt bọt thường xuyên để nước kho không bị đục và thơm ngon hơn.
  • Khi thịt gần mềm, bạn mới cho trứng vịt luộc đã bóc vỏ vào, giúp trứng không bị vỡ và giữ được độ mềm vừa tới. Trứng cho vào càng sớm thì càng cứng, cho vào trễ thì trứng mềm. Bạn cũng có thể thay trứng vịt bằng trứng gà hay trứng cút nếu thích.
  • Quá trình kho thịt cần kiên nhẫn, đun lửa nhỏ liu riu để thịt mềm, thấm gia vị và nước dừa.
  • Để món thịt kho tàu vẫn ngon như mới sau nhiều ngày, sau khi nấu xong và để nguội, bạn chia thành từng phần nhỏ vừa ăn, rồi bảo quản trong ngăn đá. Khi cần, chỉ cần lấy ra và hâm lại.

Cách bảo quản thịt kho tàu được lâu ngày Tết

  • Cách bảo quản bên ngoài: Sau khi kho thịt xong, nếu thấy váng mỡ dày trên bề mặt nồi, bạn nên hớt bớt đi để món ăn được ngon hơn. Mỗi ngày, hãy múc ra một lượng vừa đủ để dùng, hâm nóng riêng và nếu còn dư, không nên đổ lại nước thịt vào nồi chính, vì làm vậy sẽ khiến thịt dễ bị hư. Cũng không nên đậy kín nắp quá chặt, vì sẽ khiến thức ăn bị hầm và dễ hỏng. Mỗi ngày, nhớ hâm lại nồi thịt và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.
  • Cách bảo quản trong tủ lạnh: 

Trong ngăn mát: Đậy kín nắp nồi, có thể dùng màng bọc thực phẩm quấn quanh hoặc đặt vào hộp kín rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Điều này giúp tránh mùi hôi bay ra ngoài. Khi bảo quản lạnh, bạn không cần phải hâm lại mỗi ngày. Mỗi lần ăn, chỉ cần múc một phần vừa đủ ra nồi và hâm nóng lại. Nên dùng trong vòng 7 ngày.

Trong ngăn đá: Chia thịt kho thành các phần nhỏ vừa ăn, cho vào túi zip hoặc hộp kín. Bảo quản ở ngăn đá, thịt kho có thể dùng được trong vòng 1-2 tháng.

Bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của món thịt kho tàu ngày Tết. Món ăn này đã trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi dịp Tết, mang theo những lời chúc may mắn, tài lộc và sự đoàn viên. Qua đó, chúng ta không chỉ thưởng thức một món ăn ngon mà còn cảm nhận được sự ấm áp, gắn kết trong mỗi bữa cơm Tết bên gia đình.