Trung thu châu Á: Khám phá trung thu qua các nền văn hóa

Lễ hội Trung thu, hay Tết Thiếu nhi, là một trong những lễ hội quan trọng ở Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác, diễn ra vào rằm tháng 8 âm lịch hàng năm. Trung thu tôn vinh sự sung túc, đoàn viên và niềm vui trẻ em. Mỗi quốc gia và vùng miền có những phong tục tập quán độc đáo, tạo nên sự đa dạng văn hóa. Bài viết này sẽ khám phá những nét đặc sắc của Trung thu châu Á. Hãy cùng chúng tôi khám phá ngay nhé!

Giới thiệu chung về Trung thu

Vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm, các quốc gia châu Á tổ chức nhiều hoạt động để chào mừng Tết Trung Thu, còn gọi là Ngày Hội Trăng Tròn. Đây là một sự kiện quan trọng trong cộng đồng người Hoa, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Macau, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Úc và Việt Nam.

Tết Trung Thu thường gắn liền với hình ảnh đèn lồng, chị Hằng, chú Cuội, thỏ Ngọc, và các loại bánh nướng như thập cẩm, đậu xanh, trứng muối. Những biểu tượng này đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, khiến Tết Trung Thu trở thành lễ hội được mong chờ nhất trong năm cả của người lớn lẫn trẻ nhỏ.

Dù khác nhau về phong tục nhưng các hoạt động như rước đèn, ăn bánh, ngắm trăng và tham gia các trò chơi đều là những hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Trung thu của các quốc gia châu Á.

Giới thiệu chung về Tết Trung thu
Giới thiệu chung về Tết Trung thu

Tìm hiểu Trung Thu ở các quốc gia Châu Á

Trung Thu châu Á mang những phong tục và tập quán độc đáo, phản ánh sự đa dạng văn hóa của khu vực. Chúng ta hãy cùng khám phá cách mỗi quốc gia tổ chức lễ hội này để hiểu rõ hơn về văn hóa Trung Thu ở từng nơi nhé!

Trung thu ở Việt Nam

Phong tục: Tết Trung Thu ở Việt Nam, còn gọi là Tết Thiếu Nhi, là lễ hội quan trọng thứ hai sau Tết Nguyên Đán. Từ xa xưa, người Việt tin rằng trẻ em có mối liên hệ đặc biệt với thần linh, và các hoạt động như thắp lồng đèn, múa lân, và hát dân gian sẽ mang lại may mắn. Trong dịp này, các khu phố người Hoa thường bắt đầu bán đồ trang trí và lồng đèn thủ công từ vài tuần trước, tạo nên không khí rực rỡ.

Món ăn đặc trưng: Bánh Trung thu là món ăn không thể thiếu. Có nhiều loại nhân như đậu xanh, hạt sen, khoai môn, thập cẩm… Ngoài bánh, các món như chè chuối, cốm, xôi vò cũng được chuẩn bị để làm phong phú thêm mâm cỗ Trung thu.

Tết Trung Thu ở Việt Nam
Tết Trung Thu ở Việt Nam

Tham khảo bánh trung thu tại website Co.op Online: Bánh Trung thu

Trung thu ở Trung Quốc

Phong tục: Người Trung Quốc đã tổ chức Tết Trung Thu từ thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên, ban đầu là lễ hội mừng mùa thu hoạch và cúng Thần Mặt Trăng. Ngày nay, Tết Trung Thu là thời điểm các gia đình tụ họp, thưởng thức bánh nướng, thắp đèn lồng nhiều màu sắc và tận hưởng thời gian bên nhau. Truyền thống sử dụng đèn lồng thực chất bắt nguồn từ Lễ Hội Ma (Cúng Cô Hồn), khi đèn lồng được thả trên sông để dẫn đường cho các linh hồn. Hiện tại, đèn lồng đã trở thành biểu tượng chính trong Tết Trung Thu.

Món ăn đặc trưng: Bánh Trung thu là món ăn đặc trưng vào dịp trung thu ở Trung Quốc. Bánh Trung thu của Trung Quốc thường có hình tròn, biểu tượng cho sự “đoàn viên”, với nguồn gốc từ thời nhà Minh. Ngày nay, bánh Trung thu đã có nhiều hình dạng đa dạng hơn như hình vuông hoặc hình các con vật, và được làm từ những nguyên liệu mới lạ, hấp dẫn hơn. Khác với Việt Nam, bánh Trung thu ở Trung Quốc (bánh Yuebing) chỉ có bánh nướng, không có bánh dẻo. Vỏ bánh thường được khắc những chữ Hán mang ý nghĩa tốt lành cho ngày lễ đoàn tụ. Các loại nhân truyền thống phổ biến bao gồm đậu xanh, đậu đỏ, trà xanh, và khoai môn.

Trung thu ở Trung Quốc
Trung thu ở Trung Quốc

Trung thu ở Hàn Quốc

Phong tục: Chuseok hiện được coi là ngày Lễ Tạ Ơn tại Hàn Quốc, khi mọi người bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên. Một hoạt động nổi bật trong dịp này là điệu nhảy “Ganggangsullae”. Trong điệu nhảy này, phụ nữ mặc trang phục truyền thống Hanbok nắm tay nhau tạo thành vòng tròn và hát trong đêm Chuseok.

Món ăn đặc trưng: Songpyeon (송편) là món ăn truyền thống trong Chuseok, được làm từ bột gạo nếp. Bên cạnh đó, các món ăn như bulgogi, japchae, bibimbap cũng thường xuất hiện trong bữa tiệc.

Trung thu ở Hàn Quốc
Trung thu ở Hàn Quốc

Tham khảo sản phẩm tại đây: Lẩu Bulgogi bắp bò Hàn Quốc Coop Select

Trung thu ở Nhật Bản

Phong tục: Nhật Bản tổ chức Trung Thu hai lần trong năm. Đầu tiên là lễ Otsukimi vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, nơi người dân ngắm trăng và thưởng thức các món ăn truyền thống. Lần thứ hai gọi là Zyusanya. Trong dịp Otsukimi, đặc trưng là những chiếc đèn lồng hình Cá Chép, biểu tượng của nghị lực, trí tuệ, lòng quả cảm và sự nhẫn nại. Người Nhật tin rằng việc sử dụng hình ảnh Cá Chép trong lễ hội sẽ mang lại những phẩm chất tốt đẹp cho thế hệ sau.

Món ăn đặc trưng: Bánh Tsukimi dango là món ăn truyền thống, được làm từ bột gạo nếp, viên tròn và có màu trắng, thường được rắc đường hoặc đậu nành nghiền. Những chiếc bánh này thường được bày biện đẹp mắt để dâng lên thần linh. Trong dịp Trung thu, bánh Tsukimi Dango thường được xếp thành hình tháp trên một kệ gỗ, với khoảng 15 chiếc bánh trong mỗi “tháp”. Bên cạnh “tháp bánh” là bình cỏ susuki, và đôi khi còn được trang trí thêm một số loại hoa quả khác.

Trung thu ở Nhật Bản
Trung thu ở Nhật Bản

Trung thu ở Malaysia

Phong tục: Tại Malaysia, Tết Trung Thu mang đến không khí lễ hội đặc sắc. Bên cạnh các hoạt động truyền thống như bán bánh Trung Thu, treo đèn lồng và tổ chức diễu hành, các trung tâm mua sắm ở Malaysia thường có chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhân dịp này.

Món ăn đặc trưng: Bánh Trung thu ở Malaysia có sự kết hợp độc đáo giữa các nền văn hóa. Ngoài bánh Trung thu truyền thống, người dân còn thưởng thức các loại bánh như kuih kapit, kuih bangkit…

Trung thu ở Malaysia
Trung thu ở Malaysia

Trung thu ở Singapore

Phong tục: Tại Singapore, Tết Trung Thu là dịp để gia đình tụ họp và thưởng thức bánh trung thu. Người dân thường trao nhau bánh trung thu như một cách thể hiện tình cảm, khiến mặt hàng này thường xuyên hết hàng trước dịp lễ. Vào đêm Trung Thu, biểu tượng du lịch Merlion bên vịnh Marina Bay sẽ trở nên rực rỡ với ánh sáng đa màu sắc. Con đường Orchard Road cũng không kém phần hoành tráng với các trang trí ấn tượng từ các trung tâm thương mại hàng đầu.

Món ăn đặc trưng: Bánh dẻo nhân sầu riêng được xem là biểu tượng đặc trưng của bánh Trung thu ở Singapore. Hương vị sầu riêng thơm ngát của loại bánh này được đa số người dân nơi đây ưa chuộng.

Trung thu ở Singapore
Trung thu ở Singapore

Trung thu ở Thái Lan

Phong tục: Tại Thái Lan, lễ hội Loy Krathong (hay còn gọi là “Lễ Cầu Trăng”) diễn ra vào đêm trăng tròn của tháng 12 âm lịch và có những nét tương đồng với Trung thu nhưng cũng có sự khác biệt rõ rệt. Người dân tham gia lễ cúng trăng và thả đèn hoa đăng xuống sông, hồ hoặc thả đèn trời để cầu mong may mắn và hạnh phúc.

Món ăn đặc trưng: Trên bàn thờ, người Thái thường đặt quả đào và bánh Trung thu. Họ tin rằng Bát Tiên sẽ mang đào lên cung trăng để chúc thọ Quan Âm, và nhờ vậy các vị thần tiên sẽ ban phước lành cho mọi người. Ngoài ra, trong ngày này, người Thái còn thưởng thức bưởi, một loại quả mà họ tin rằng tượng trưng cho sự viên mãn và sum họp.

Trung thu ở Thái Lan
Trung thu ở Thái Lan

So sánh văn hoá Trung Thu của các nước ở Châu Á

Tết Trung Thu châu Á có những nét đặc trưng văn hóa và phong tục riêng biệt. Dưới đây là điểm tương đồng và khác biệt về văn hóa Trung Thu của một số quốc gia trong khu vực:

Sự tương đồng

Trung thu ở các quốc gia châu Á đều mang ý nghĩa tri ân và đoàn viên, là dịp để mọi người tụ tập, thể hiện lòng biết ơn với mùa màng bội thu và quây quần bên gia đình. Thời gian này thường được dùng để gặp gỡ, trao đổi tình cảm và tận hưởng những khoảnh khắc quý báu cùng nhau. Các món ăn trong lễ hội Trung thu như bánh Trung thu ở Việt Nam, Songpyeon ở Hàn Quốc, hay Tsukimi dango ở Nhật Bản đều chủ yếu làm từ gạo nếp và các loại hạt, phản ánh sự tương đồng trong văn hóa ẩm thực của các quốc gia châu Á.

Sự khác biệt

Mỗi quốc gia châu Á tổ chức Trung thu theo cách thức và hoạt động văn hóa đặc trưng riêng. Ở Việt Nam, lễ hội thường gắn liền với các hoạt động như rước đèn ông sao và múa lân, trong khi Trung Quốc tập trung vào việc thưởng thức bánh Trung thu và ngắm trăng tròn. Sự khác biệt này phản ánh sự đa dạng văn hóa trong khu vực. Tôn giáo và lịch sử cũng ảnh hưởng sâu sắc đến phong tục Trung thu của từng quốc gia. Ví dụ, Chuseok ở Hàn Quốc có yếu tố tôn giáo truyền thống, trong khi lễ thả đèn hoa đăng của Loy Krathong ở Thái Lan bắt nguồn từ Vương quốc Angkor thời kỳ Suryavarman II, cho thấy vai trò của tôn giáo và lịch sử trong việc định hình văn hóa Trung thu.

Những nét riêng về Trung thu mỗi quốc gia phản ánh sự đa dạng về văn hóa
Những nét riêng về Trung thu mỗi quốc gia phản ánh sự đa dạng về văn hóa

Kết luận

Trung thu là lễ hội truyền thống sâu sắc và đặc trưng của nhiều quốc gia châu Á, mỗi nơi có những phong tục riêng. Sự tương đồng và khác biệt trong văn hóa Trung thu Châu Á tạo nên một bức tranh đa dạng về lễ hội này. Mang ý nghĩa đoàn viên, hòa bình và tôn trọng sự khác biệt văn hóa, hy vọng truyền thống tết Trung thu sẽ tiếp tục được con cháu đời sau gìn giữ và phát huy trong tương lai.